Trong những năm tháng đầu đời, các bậc cha mẹ thường cho trẻ tiêm ngừa các loại vắc xin để bảo vệ trẻ trước các tác nhân gây bệnh, tuy nhiên cha mẹ khi có con nhỏ luôn có những nỗi lo lắng cho sức khỏe của con mình, luôn đặt ra câu hỏi rằng: vì sao phải tiêm phòng cho trẻ và người ta thường tiêm phòng cho trẻ em những loại bệnh nào, tiêm vào giai đoạn nào là tốt nhất cho con?
Vì sao phải tiêm phòng cho trẻ?
Trẻ em thường có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện lại có nhu cầu học hỏi và tìm hiểu thế giới xung quanh nên thường xuyên tiếp xúc nhiều với môi trường. Trong đó, môi trường ô nhiễm lại chính là nơi để các vi khuẩn có hại phát triển và tấn công con người. Bên cạnh đó các loại bệnh nguy hiểm thường có những con đường lây lan rất phổ biến như thông qua đường hô hấp, đường máu, được truyền từ mẹ sang con,… Việc tiêm vắc xin cho trẻ sẽ giúp trẻ hình thành hệ miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm, giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây nên.
Hiện nay, người ta thường tiêm phòng cho trẻ em những loại bệnh nào?
Bệnh bạch hầu.
Bạch hầu là một căn bệnh nguy hiểm, nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra.

Người mắc bệnh bạch hầu thường có các triệu chứng ban đầu giống với bệnh cảm lạnh, viêm mũi, viêm họng hoặc viêm da nên khó phát hiện. Sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như họng đỏ, đau khi nuốt, mệt mỏi, vùng hàm dưới và cổ sưng do nổi hạch. Xuất hiện các giả mạc màu trắng ngà hoặc xám bám xung quanh các tổ chức viêm. Độc tố của vi khuẩn bạch hầu rất nguy hiểm, có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim và gây tử vong với tỉ lệ từ 5% – 10%.
Bệnh bạch hầu có thể lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp hoặc do tiếp xúc giữa vi khuẩn gây bệnh với các vết thương hở. Người ở mọi độ tuổi đều có khả năng bị mắc bệnh bạch hầu, tuy nhiên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 15 tuổi là đối tượng chủ yếu bị mắc bệnh nếu chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh hoặc chưa có hệ miễn dịch với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.
Hiện nay bệnh bạch hầu có thể được phòng ngừa bằng biện pháp tiêm vắc xin theo chương trình tiêm chủng quốc gia (TCMR) hoặc vắc xin dịch vụ với các loại vắc xin phối hợp phòng chống bệnh bạch hầu như: Vắc xin 5in1 phòng ngừa bạch hầu – ho gà – uốn ván – Hib – viêm gan B; Vắc xin bạch hầu – ho gà – uốn ván.
Bệnh viêm não Nhật Bản.
Viêm não Nhật Bản là một căn bệnh bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, tác nhân gây bệnh là virus viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus. Virus gây bệnh có thể tồn tại trên các loài động vật mang mầm bệnh như chim, bò, trâu, ngựa,… Con người cũng có thể bị lây bệnh thông qua đường muỗi đốt nếu muỗi đã hút phải máu của người hoặc động vật mang bệnh.

Bệnh viêm não Nhật Bản rất khó phát hiện ở giai đoạn ủ bệnh do không có dấu hiệu cụ thể. Sau thời gian ủ bệnh, bệnh nhân sẽ có các dấu hiệu như phát sốt đột ngột và sốt cao từ 39 đến 40°C, buồn nôn, đau bụng, co giật, hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở thậm chí dẫn đến tử vong hoặc biến chứng suốt đời.
Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ cao bị mắc bệnh viêm não Nhật Bản do sức đề kháng yếu và chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên cho con em mình tiêm vắc xin ngừa bệnh viêm não Nhật Bản khi từ đủ 12 tháng tuổi trở lên và tiêm đủ 3 liều cơ bản để phòng bệnh đạt hiệu quả cao.
Bệnh bại liệt.
Bệnh bại liệt là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây nên. Người bị nhiễm bệnh thường có các triệu chứng như sốt, buồn nôn, táo bón, có thể bị mất nước, viêm phổi, teo cơ, tê liệt, liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong.
Phụ nữ mang thai, người già, người chưa tiêm phòng vắc xin bại liệt, người có hệ miễn dịch yếu, trẻ em đặc biệt là những trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh bại liệt.
Ở Việt Nam, hiện đã có các vắc xin dạng uống trong chương trình TCMR để phòng ngừa bệnh bại liệt. Ngoài ra vắc xin bại liệt cũng có trong thành phần của những mũi tiêm phối hợp ở các điểm tiêm dịch vụ thuộc hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Trẻ em và Người lớn VNVC như: vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa, 6 trong 1 Hexaxim, vắc xin 5 trong 1 Pentaxim, vắc xin 4 trong 1 Tetraxim.
Bệnh sởi.
Bệnh sởi là một loại bệnh chỉ xuất hiện ở người, có tác nhân gây bệnh là virus sởi – một loại virus ARN thuộc chi Morbillillin nằm trong họ Paramyxoviridae. Bệnh sởi có mức độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành dịch. Người bị mắc bệnh sởi thường có các triệu chứng sốt, ho khan, viêm kết mạc, xuất hiện những đốm Koplik trắng nhỏ với tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ bên trong miệng hay trên niêm mạc bên trong của má. Bệnh sởi cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao cho trẻ em dưới 5 tuổi, gây sảy thai, sinh non ở phụ nữ mang thai khi mắc bệnh.

Ở nước ta hiện nay đang có 3 loại vắc xin có thể ngăn ngừa khỏi sự tấn công của virus gây bệnh sởi là vắc xin sởi đơn MVVac của Việt Nam và vắc xin 3in1 kết hợp phòng 3 bệnh bao gồm Sởi – Quai bị – Rubella MMR.
Trên đây là một số loại bệnh thường được phụ huynh chú ý tiêm phòng cho trẻ nhỏ, giải đáp cho câu hỏi “người ta thường tiêm phòng cho trẻ em những loại bệnh nào.” Việc chú ý tiêm phòng vắc xin cho trẻ giúp bảo vệ sức khỏe cho các con, giúp các con có một hệ miễn dịch tốt để thoải mái vui chơi, học hỏi và lớn khôn từng ngày!